Khoa học kỹ thuật Khoa học kỹ thuật

TRAO ĐỔI VỀ LIÊN KẾT “4 NHÀ”

 

TRAO ĐỔI VỀ LIÊN KẾT "4 NHÀ"

Ảnh: Sở KHCN kiểm tra mô hình thanh long ruột đỏ tại Bưng Riềng

 

Việt Nam là một nước nông nghiệp, người dân sống ở vùng nông thôn, có khoảng 70% dân số sống bằng nghề nông. Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và cung cấp nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI tiếp tục khẳng định thực hiện tốt việc gắn kết chặt chẽ "4 nhà".

Vai trò của mối liên kết "4 nhà" được đặt ra từ năm 2002 với Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện, mối liên kết "4 nhà" vẫn chưa thắt chặt như mong muốn, các mối liên kết dọc và ngang hình thành và phát triển khó khăn. Trong đó, mối liên kết giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân, ND và ND vẫn khá lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau… Về tính pháp lý, hợp đồng bao tiêu nông sản thể hiện tính pháp lý thấp, chưa ràng buộc rõ ràng giữa người bán và người mua. Trong khi đó, vai trò liên đới giữa "4 nhà" lại thiếu chặt chẽ và chưa mang tính đồng bộ. Nhà nước chưa có chế tài cụ thể nên khó xử lý khi xảy ra vi phạm hợp đồng giữa các bên. Vì thế, thời gian qua còn xảy ra tình trạng doanh nghiệp và nông dân phá vỡ hợp đồng khi có sự biến động về giá, thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, mặt hạn chế của chính sách là chú trọng thúc đẩy phát triển sản xuất hơn là tiếp cận thị trường; tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; thiếu vốn; tập quán canh tác lạc hậu; trình độ học vấn thấp nên tiếp cận khoa học còn nhiều hạn chế; thiếu kinh nghiệm sản xuất, đặc biệt là năng lực quản lý kinh tế hộ, kinh tế tập thể của nông dân, các tổ, nhóm, hợp tác xã cũng ảnh hưởng rất lớn đến các mô hình liên kết.

Đến nay, qua hơn 10 năm thực hiện Quyết định 80 đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập và không phù hợp với tình hình mới. Để khắc phục hạn chế, bất cập của Quyết định 80, ngày 25/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn (thay cho Quyết định số 80). Chính sách này có nhiều điểm mới, trong đó nhấn mạnh ưu tiên phát triển mô hình liên kết theo dạng cánh đồng mẫu lớn trong chiến lược phát triển các vùng nông sản chủ lực tập trung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Mô hình này cũng có nhiều tiềm năng nhân rộng trong cả nước và các cây trồng khác, không chỉ giới hạn đối với cây lúa. Tuy nhiên, đến nay thì Quyết định 62 vẫn chưa đi vào cuộc sống vì nguyên nhân chủ yếu do khó khăn trong việc xác định tiêu chí "cánh đồng lớn" và tiêu chí "hỗ trợ" do sự khác nhau về năng lực và cách thức sản xuất lúa gạo giữa các vùng, miền; nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ là rất hạn chế cũng như thủ tục triển khai phức tạp; sự bất ổn do chưa điều hòa  được lợi ích của "4 nhà". Mặt khác, các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vì: khả năng sinh lời thấp, thu hồi vốn chậm, rủi ro về thị trường, sản phẩm không đồng nhất, khó bảo quản và chế biến, thiên tai, dịch bệnh và "uy tín" của nông dân..

Một số giải pháp để tăng cường liên kết 4 nhà trong giai đoạn hiện nay theo Quyết định 62

            - Tuyên truyền sâu rộng Quyết định 62 đến với nông dân và các doanh nghiệp để hiểu cho đúng và thực hiện. Bộ Nông nghiệp cần sớm ban hành các tiêu chí về "Cánh đồng lớn" và các cơ chế, chính sách cụ thể để triển khai thực hiện. Các tỉnh, thành cần quy hoạch vùng sản xuất, vùng chuyên canh theo "Cánh đồng lớn" và xây dựng cơ sở hạ tầng để triển khai thực hiện.

            - Nhà nước cần thông tin về thị trường, đưa ra dự báo về cung cầu và mở rộng qui mô thị trường. Nhà nước sớm tập trung xây dựng mô hình nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ trong từng vùng sản xuất nông sản tập trung theo "cánh đồng lớn", hình thành chuỗi giá trị hàng hóa nông sản.

            - Nhà nước củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của loại hình sản xuất hợp tác như tổ hợp tác, hợp tác xã; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

            - Nhà khoa học nghiên cứu lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với vùng miền, với biến đổi khí hậu; xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác công nghệ cao, quy trình bảo quản và chế biến nông sản..

            - Đa dạng hóa các hình thức liên kết, có hai hoặc nhiều chủ thể tham gia như: Doanh nghiệp liên kết với Nhà nước và nông dân; Doanh nghiệp liên kết với doanh nghiệp và nông dân trong việc cung ứng đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra; Doanh nghiệp liên kết với nhà khoa học, đơn vị chuyển giao kỹ thuật và nông dân; Nông dân liên kết với nông dân và doanh nghiệp. Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm nông nghiệp

            - Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hợp đồng trong liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.

            - Định kỳ tổ chức Hội thảo, sơ tổng kết để rút kinh nghiệm.

Mai Gấm

TT DN&HTND tỉnh

 

KINH NGHIỆM PHÒNG, TRỊ RUỒI VÀNG ĐỤC TRÁI TRÊN QUẢ THANH LONG RUỘT ĐỎ THEO VIETGAP

Ruồi đục trái là đối tượng nguy hiểm và là đối tượng kiểm dịch rất khắt khe của nhiều nước trên thế giới. Ruồi vàng chích hút vào trái gây thoái hóa thịt trái và phần nhựa chảy ra làm vỏ trái thanh long hư hoàn toàn. Ruồi thường gây hại vào mùa mưa. Ruồi trưởng thành (thành trùng) có kích thước nhỏ hơn ruồi nhà, nhìn bề ngoài giống như con ong. Ruồi trưởng thành hoạt động vào ban ngày. Ruồi cái dùng ống đẻ trứng vào vỏ trái. Dòi nở ra đục ăn vào trong thịt trái, làm cho trái bị thối và rụng. Bị hại nặng trái rụng hàng loạt. Ruồi đục trái phá hoại nhiều khi trái gần chín đến khi chín và đặc biệt gây hại nhiều trên thanh long ruột đỏ.

Đặc điểm hình thái: Ruồi vàng ngực có màu nâu đỏ, cánh trong suốt, mép cánh có sọc đen, lưng bụng có sọc đen, chân màu vàng. Trứng dài 1mm có màu trắng sữa, sắp nở có màu vàng nhạt. Ấu trùng thuộc dạng dòi không chân, màu trắng trong khi mới nở và màu vàng rơm khi đẫy sức. Mới hóa nhộng có màu vàng nâu, sắp hóa trưởng thành có màu nâu đỏ.

Đặc điểm sinh học và sinh thái: Sau khi vũ hóa khoảng 7 - 15 ngày ruồi bắt đầu đẻ trứng trực tiếp vào trong trái. Thời gian ủ trứng khoảng 1-2 ngày. Giai đoạn ấu trùng kéo dài 6-35 ngày. Khi phát triển đầy đủ, dòi chui ra khỏi trái rơi xuống đất hóa nhộng, độ 10 ngày sau thì nhộng lại nở ra thành ruồi. Hàng năm ruồi xuất hiện nhiều vào tháng 5. Ruồi có đặc tính ăn thêm, đặc biệt ưa thích mùi prôtein thủy phân và mùi mật đường. Ruồi có thể sống được 20-40 ngày. Ruồi cái dùng ống đẻ trứng chọc thủng vỏ trái đẻ trứng thành chùm vào chỗ phần tiếp giáp giữa vỏ và thịt. Dòi non nở ra đục ăn thịt trái, làm trái bị thối và hư.

Biện pháp phòng trị: 

- Biện pháp canh tác: Thu hoạch trái chín kịp thời; Thu gom những trái bị sâu, rụng, bị giòi đục đem đi tiêu hủy để cắt đứt nguồn sâu, giòi gây hại cho vụ sau; Chăm sóc thường xuyên, tỉa bỏ những cành già, cành bị sâu bệnh giúp vườn cây luôn sạch đẹp thông thoáng; Bao trái sau khi đậu quả 2 tuần (vì còn khoảng 14-16 ngày thu hoạch); Trong vườn thanh long không nên trồng ổi vì loại cây này hấp dẫn ruồi đục trái.

- Biện pháp hóa học: Không nên xịt thuốc hóa học trực tiếp lên trái thanh long để diệt dòi vì thường hiệu quả không cao và không đảm bảo an toàn cho người sử dụng, sử dụng một số biện pháp sau đây:

+ Rải Basudin 10H  xuống chung quanh gốc cây để diệt nhộng trong đất.

+ Pha 1 gói Actara 25WG 1g vào 1 lít nước sạch, dùng quả chuối chín nguyên vỏ cắt thành từng lát dày khoảng 1cm rồi dùng dây lạt mềm xâu từng khoanh chuối chín nhúng vào dung dịch thuốc khoảng 5 phút. Sau đó đem treo trong vườn với khoảng cách từ 5-10m/bả. Vì thuốc không mùi nên khi bén muồi thơm của chuối ruồi vàng kéo đến ăn và bị ngộ độc chết. Sau 4-5 ngày bả chuối khô thì thay bả mới. Ngoài chuối chín có thể sử dụng các loại quả có mùi thơm có độ đường cao có khả năng thu hút mạnh ruồi đục quả như: mít chín, dứa chín, cam chín, ..

+ Dùng thuốc nhử ruồi như Vizubon D, Ruvacon 90L và phổ biến nhất là Flykil 95 EC để dẫn dụ và diệt ruồi đực sẽ có tác dụng hạn chế tác hại của giòi rất lớn, thuốc được tẩm 1-2 ml vào bông gòn đặt trong bẫy, đặt 20 bẫy/ha, 2 tuần thay thuốc 1 lần.

Mô hình đặt bẫy nhử Pheramon phòng trừ ruồi vàng đục quả sẽ giúp nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật lên trái thanh long, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Mai Gấm

TT DN&HTND tỉnh


Trồng trọt Trồng trọt

Chăn nuôi Chăn nuôi

Chế biến nông sản Chế biến nông sản

Thủy sản Thủy sản

VĂN BẢN MỚI VĂN BẢN MỚI

Lịch công tác Lịch công tác

Giá cả sp nông nghiệp Giá cả sp nông nghiệp

Đào tạo nghề Đào tạo nghề

Thông báo cung cấp giống, phân bón, thuốc BVTV... 25/11/2019 16:00
Thông báo cung cấp giống, phân bón, thuốc BVTV nhân rộng mô hình giảm...

Thống Kê Truy Cập Thống Kê Truy Cập

Đang truy cập: 7
Tất cả: 3685409