Chủ trương chính sách Chủ trương chính sách

Đẩy mạnh các chính sách cho nông nghiệp
NDĐT - Sáng ngày 31-10, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải trình một số vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn được các đại biểu Quốc hội quan tâm. Lãnh đạo ngành nông nghiệp cho biết, Chính phủ đã phân bổ sử dụng khoản 16 nghìn tỷ đồng mà Quốc hội cho phép, để tăng cường năng lực cảnh sát biển, kiểm ngư, hỗ trợ ngư dân.
 
Tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển bền vững
 
Về tình hình nông nghiệp - nông thôn trong 10 tháng đầu năm 2014, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, sản xuất nông nghiệp có một năm tương đối được mùa, được giá, trừ cao-su và cá tra. Về xuất khẩu, 10 tháng đạt hơn 25,8 tỷ USD đối với các loại nông - lâm - thủy sản, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2013.
 
Cũng theo đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh. Đến hết ngày 15-10, đã có 785 xã đạt 19 tiêu chí. Tuy nhiên, nông nghiệp, nông thôn vẫn tiếp tục có nhiều khó khăn. Giải pháp căn cơ đối với nông nghiệp là triển khai thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển bền vững, theo Quyết định số 899 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6 năm ngoái.
 
Thực hiện chủ trương này, ngoài kế hoạch tổng thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và đang triển khai thực hiện 16 đề án. Trong đó, có sáu đề án cụ thể hóa chủ trương tái cơ cấu trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi thủy sản, lâm nghiệp, chế biến nông sản, và thủy lợi cũng như sáu đề án cụ thể hóa các giải pháp để thực hiện những chủ trương này. Đó là tái cơ cấu đầu tư, đổi mới cơ chế, chính sách và pháp luật, phát triển khoa học, công nghệ, đào tạo nhân lực, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, đổi mới tăng cường hệ thống quản lý nhà nước của ngành.
 
Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ cho việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu. Đó là hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở đồng bằng sông Cửu Long, phát triển chăn nuôi nông hộ, phát triển thủy sản. Chính phủ cũng đang chỉ đạo để xây dựng các nghị định về chính sách khuyến khích, bảo vệ và phát triển rừng gắn với xóa đói, giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nghị định về hợp tác xã nông nghiệp, nghị định về sắp xếp, đổi mới các nông lâm trường quốc doanh.
 
Cơ cấu cây trồng vật nuôi đã có sự chuyển biến, hơn 100 nghìn ha diện tích trồng lúa đã được chuyển sang trồng cây màu và các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn. Bản thân ngành trồng lúa cũng đang có chuyển biến. Ở nhiều địa phương đã chuyển sang trồng những giống lúa có chất lượng cao hơn, giá bán tăng hơn từ 7-8.000 đồng/kg, thay vì 5-6.000 đồng/kg như trước đây. Hơn 120 nghìn ha lúa được sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.
 
Tuy nhiên, những kết quả trên mới là bước đầu. Để triển khai thực hiện chủ trương này một cách có hiệu quả hơn, có tác động rõ nét hơn, góp phần tăng nhanh hơn thu nhập của bà con nông dân, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương, cũng như cần bổ sung thêm các nguồn lực để triển khai thực hiện.
 
Lúa gạo vẫn là ngành có lợi thế
 
Bộ trưởng khẳng định, sản xuất lúa gạo là một ngành có lợi thế của nước ta và nên tiếp tục phát huy để nâng cao thu nhập cho nông dân.
 
Hiện nay, nhiều nơi thuộc đồng bằng sông Cửu Long cũng như đồng bằng sông Hồng, mặc dù có chính sách khuyến khích, nhưng nông dân vẫn gắn bó với cây lúa, vì ở Thái Bình, Nam Định trồng một ha lúa một vụ có thể cho thu nhập 40-50 triệu đồng, trong khi nếu trồng ngô chỉ thu nhập 25-30 triệu đồng.
 
Vì vậy, một mặt xây dựng đề án và triển khai thực hiện những biện pháp để tiếp tục nâng cao hiệu quả của ngành trồng lúa theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và giảm giá thành. Mặt khác, tích cực hướng dẫn nông dân áp dụng những tiến bộ kỹ thuật để sản xuất ngô và một số những cây trồng khác có hiệu quả cao hơn.
 
Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất sửa đổi Nghị định 42/2012 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa theo hướng tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi cây trồng linh hoạt hơn và tăng hỗ trợ, cũng như tập trung sử dụng sự hỗ trợ đó để nâng cấp cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học, kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trồng lúa, tăng thu nhập cho người trồng lúa.
 
Nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi
 
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi nước ta nói chung còn thấp, vì khoảng gần 60% đàn gia súc, gia cầm của chúng ta vẫn nuôi ở những hộ chăn nuôi nhỏ. Có tám triệu hộ nuôi gia cầm, hơn bốn triệu hộ nuôi lợn...
 
Để nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi, nhất là khi đang đàm phán và sẽ mở cửa từng bước thị trường chăn nuôi để đổi lấy sự mở cửa của các nước cho các loại sản phẩm hàng hóa khác của nước ta, ngành nông nghiệp cũng đang rất quyết liệt triển khai thực hiện các biện pháp để nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Trong đó khuyến khích phát triển chăn nuôi công nghiệp.
 
Mặt khác, Chính phủ cũng có chính sách để hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ có hiệu quả cao hơn với việc ban hành Quyết định số 50 với nhiều chính sách theo hướng này.
 
Khuyến khích ngư dân có tàu
 
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo, Chính phủ cũng đã phân bổ sử dụng khoản 16 nghìn tỷ đồng mà Quốc hội cho phép, để tăng cường năng lực cảnh sát biển, kiểm ngư, hỗ trợ ngư dân. Hiện nay, các Bộ, ngành được giao đang tích cực triển khai thực hiện.
 
Vị trưởng ngành nông nghiệp dẫn chứng, trong năm 2013 cũng như năm 2014, tốc độ tăng trưởng của ngành thủy sản là khá cao, nhưng tăng trưởng của đánh bắt trên biển chậm hơn so với nuôi trồng. Về lâu dài, sẽ tập trung phát triển nuôi trồng để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho ngư dân. Đánh bắt trên biển vẫn tiếp tục phát triển, nhưng cũng có mức độ nhất định.
 
Vừa qua, ngành nông nghiệp tiến hành tổng điều tra trữ lượng hải sản trên biển, xác định tổng trữ lượng các loại tôm, cá, hải sản khoảng hơn bốn triệu tấn. Lượng thủy sản có thể khai thác một cách bền vững hằng năm khoảng hai triệu tấn. Năm 2013, nguồn thủy sản khai thác 2,5 triệu tấn. Tuy nhiên trong cơ cấu, khai thác thủy sản ven bờ tăng quá mức, đáng ra chỉ nên khai thác khoảng 700 đến 800 nghìn tấn thì đã khai thác 1,5 triệu tấn. Nhưng ở các vùng biển xa, khả năng có thể khai thác khoảng 1,1 đến 1,3 triệu tấn thì chỉ khai thác có 0,9 triệu tấn.
 
Như vậy, chủ trương là khuyến khích ngư dân để có tàu, thuyền và trang thiết bị phù hợp, phát triển đánh bắt ở các vùng biển xa, nhưng cũng kiềm chế năng lực đánh bắt ở vùng ven bờ.
 
Mặt khác, phải tập trung giúp ngư dân nâng cao hiệu quả của việc đánh bắt. Cải tiến công nghệ bảo quản trên tàu cá có thể giúp ngư dân nâng cao giá trị của hải sản lên khoảng 30%. Chương trình thí điểm vừa qua ở Bình Định đối với cá ngừ đại dương cho thấy cải tiến trong khâu đánh bắt có thể giúp nâng cao giá trị của cá ngừ từ 8 đến 10 lần. Đấy là những hướng chính mà ngành nông nghiệp đã, đang và sẽ tiếp tục giúp ngư dân.
Ngành nông nghiệp đang triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014 của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành tất cả các thông tư cần thiết liên quan tới Nghị định số 67, ban hành các mẫu tàu cá đóng bằng vỏ sắt. Các địa phương hiện nay đang lập danh sách gửi cho ngân hàng xem xét để cung cấp tín dụng cho ngư dân.
 
Trong quá trình triển khai chung đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với ba tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định tập trung vào triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách theo nghị định này trong lĩnh vực đánh bắt cá ngừ đại dương, để rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng.
 
NGÂN ANH GHI

VĂN BẢN MỚI VĂN BẢN MỚI

Lịch công tác Lịch công tác

Giá cả sp nông nghiệp Giá cả sp nông nghiệp

Đào tạo nghề Đào tạo nghề

Thông báo cung cấp giống, phân bón, thuốc BVTV... 25/11/2019 15:00
Thông báo cung cấp giống, phân bón, thuốc BVTV nhân rộng mô hình giảm...

Thống Kê Truy Cập Thống Kê Truy Cập

Đang truy cập: 8
Tất cả: 2214277