Chủ trương chính sách Chủ trương chính sách

Chính sách hỗ trợ của Đảng và nhà nước trong nông nghiệp nông thôn
Nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn là vấn đề lớn của đất nước. Tính đến thời điểm này (2007), vẫn còn trên 70% dân số làm nông nghiệp. Đời sống người dân nhiều vùng còn gặp khó khăn đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Nhằm ổn định dân cư, khuyến khích phát triển sản xuất Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ ưu đãi cho người nghèo, những nơi đặc biệt khó khăn về đất đai, y tế, tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, vấn đề nước sạch, phòng chống thiên tai…
 
1. Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt.
 
Đối với đất sản xuất:
 
Mức giao đất sản xuất tối thiểu một hộ là 0,5 ha đất nương, rẫy hoặc 0,25 ha đất ruộng lúa nước hai vụ. Căn cứ quỹ đất cụ thể của từng địa phương, khả năng lao động và số nhân khẩu của từng hộ và khả năng của ngân sách địa phương, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có thể xem xét, quyết định giao đất sản xuất cho hộ đồng bào với mức cao hơn.
 
Đối với đất ở:
 
Mức giao diện tích đất ở tối thiểu 200m2 cho mỗi hộ đồng bào sống ở nông thôn. Căn cứ quỹ đất ở và khả năng ngân sách của địa phương, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có thể xem xét, quyết định giao đất ở cho hộ đồng bào với mức cao hơn.
 
Việc hỗ trợ đất sản xuất và đất ở đối với hộ đồng bào dân tộc Khơ me nghèo do đặc thù của vùng đồng bằng sông Cửu Long, Nhà nước sẽ có chính sách riêng.
 
Về nhà ở: đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tại chỗ (kể cả đồng bào dân tộc Khơ me) hiện chưa có nhà ở hoặc nhà ở quá tạm bợ và đã hư hỏng, dột nát  thì thực hiện phương châm: Nhân dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ và cộng đồng giúp đỡ.
 
Ngân sách Trung ương hỗ trợ mức 5 triệu đồng/hộ để làm nhà ở. Căn cứ tình hình và khả năng ngân sách, các địa phương hỗ trợ thêm và huy động sự giúp đỡ của cộng đồng.
 
Đối với các địa phương có rừng, có quy hoạch, kế hoạch khai thác gỗ hàng năm được duyệt thì cho phép Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh được khai thác gỗ theo quy định để hỗ trợ đồng bào làm nhà ở. Mức gỗ hỗ trợ cụ thể cho mỗi hộ làm nhà ở do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định. Nghiêm cấm việc lợi dụng khai thác gỗ hỗ trợ làm nhà ở để chặt phá rừng.
 
Về hỗ trợ giải quyết nước sinh hoạt:
 
Đối với các hộ đồng bào dân tộc phân tán ở vùng cao, núi đá, khu vực khó khăn về nguồn nước sinh hoạt thì ngân sách Trung ương hỗ trợ 0,5 tấn xi măng / hộ để xây dựng bể chứa nước mưa hoặc hỗ trợ 300.000 đồng/hộ để đào giếng hoặc tạo nguồn nước sinh hoạt.
 
Đối với công trình cấp nước sinh hoạt tập trung: Ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% cho các thôn, bản có từ 20% đến dưới 50% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Các địa phương khi xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho đồng bào phải bảo đảm tính bền vững và hiệu quả.
 
2. Chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
 
- Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trên toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đối với hộ nghèo, hộ sản xuất đất nông nghiệp ở các xã đặc biệt khó khăn.
 
- Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong hạn mức đối với:
 
+ Hộ gia đình, cá nhân, nông dân được Nhà nước giao đất để sản xuất nông nghiệp.
 
+ Hộ gia đình cá nhân là xã viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã để sản xuất nông nghiệp.
 
+ Hộ gia đình cá nhân là nông trường, lâm trường viên nhận đất giao khoán ổn định của nông trường, lâm trường để sản xuất nông nghiệp.
 
+ Hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp có quyền sử dụng đất nông nghiệp góp ruộng của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo luật hợp tác xã.
 
- Giảm 50% số thuế sử dụng đất nông nghiệp ghi thu hàng năm đối với diện tích đất sản xuất nông nghiệp của các đối tượng không thuộc diện được miễn thuế.
 
3. Chính sách hỗ trợ xóa đói giảm nghèo.
 
a. Hướng dẫn người nghèo cách làm ăn, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư.
 
+ Hỗ trợ giống, vật tư chủ yếu để xây mô hình trình diễn về sản xuất trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ đói nghèo.
 
+ Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn cách làm ăn, phổ biến tiến bộ kỹ thuật mới cho người nghèo.
 
+ Hỗ trợ cho việc thông tin, tuyên truyền trên các loại báo, tạp chí, chuyên đề, tài liệu.
 
+ Hỗ trợ cho cán bộ đi hướng dẫn người nghèo cách làm ăn, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư.
 
+ Kiểm tra đánh giá các mô hình trình diễn, tổ chức hội nghị sơ, tổng kết để nhân ra diện rộng.
 
b. Hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề các xã nghèo.
 
- Hỗ trợ vật tư, thiết bị máy móc, chuyển giao công nghệ để xây dựng mô hình về bảo quản, chế biến nông lâm sản, nghề muối và ngành nghề phi nông nghiệp.
 
+ Tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật về bảo quản, chế biến nông lâm sản.
 
+ Hỗ trợ đào tạo nghề thủ công truyền thống.
 
+ Hỗ trợ cho công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạp chí …
 
4. Chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo.
 
- Người nghèo và các đối tượng chính sách khác khi cho vay vốn không phải thế chấp tài sản.
 
- Những hộ nghèo được miễn lệ phí làm thủ tục hành chính trong việc vay vốn.
 
- Người vay vốn không trả được nợ do nguyên nhân khách quan gây ra như: thiên tai, hỏa hoạn. dịch bệnh… có thể được gia hạn nợ.
 
5. Chính sách hỗ trợ chế độ khám chữa bệnh cho người nghèo.
 
- Mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và tổ chức cấp thẻ đến tận tay cho người nghèo.
 
- Thực hiện chế độ thực thanh thực chi. Ban quản lý quỹ có trách nhiệm thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo với cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước theo chế độ thanh toán như đối với bảo hiểm y tế.
 
- Hỗ trợ một phần viện phí cho các trường hợp gặp khó khăn đột xuất do mắc các bệnh nặng, chi phí cao khi điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước.
 
6. Chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí.
 
- Tư vấn trực tiếp bằng miệng, văn bản, thư tín, điện thoại.
 
- Tổ chức tư vấn lưu động ở các vùng xa trung tâm.
 
- Những hộ nghèo được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí, không phải trả bất kỳ một khoản chi phí, thù lao nào cho cơ quan và người thực hiện trợ giúp pháp lý.
 
7. Chính sách về đất đai
 
Đất sản xuất
 
a. Giao đất không thu tiền sử dụng đất.
 
- Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.
 
- Nhà nước hỗ trợ: tổ chức sử dụng đất vào mục đích nghiên cứu, thí nghiệm, thực nghiệm về nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản …
 
- Xây dựng nhà ở tái định cư, đất rừng phòng hộ, xây dựng các công trình văn hóa, y tế, giáo dục.
 
- Hợp tác xã nông nghiệp sử dụng đất làm mặt bằng xây dựng trụ sở hợp tác xã, sân phơi, nhà kho, xây dựng các cơ sở dịch vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
 
b. Giao đất có thu tiền sử dụng.
 
- Hộ gia đình, cá nhân được giao đất ở.
 
- Tổ chức kinh tế được giao đất sử dụng và mục đích xây dựng nhà ở, xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng cơ sở kinh doanh.
 
- Tổ chức kinh tế được giao đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
 
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được giao đất để thực hiện các dự án đầu tư.
 
c. Hạn mức sử dụng đất nông nghiệp.
 
+ Hạn mức sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình không quá 3 ha.
 
+ Hạn mức trồng cây lâu năm không quá 10 ha đối với các xã, phường ở đồng bằng. Không quá 30 ha đối với các xã, phường trung du, miền núi.
 
+ Đối với đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất không quá 30 ha / hộ.
 
+ Nhà nước miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ nông dân.
 
+ Nhà nước đầu tư và huy động vốn xây dựng cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng trong nông nghiệp và nông thôn.
 
Đất ở:
 
+ Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho những người sống ở nông thôn được ở trên cơ sở tận dụng đất trong những khu dân cư có sẵn.
 
+ Mức giao diện tích đất ở tối thiểu là 200m2 cho mỗi hộ đồng bào sống ở nông thôn.
 
+ Ngân sách Trung ương hỗ trợ với mức 5 triệu đồng / hộ để làm nhà ở.
 
+ Mức hỗ trợ để tạo quỹ đất sản xuất và đất ở, đất khai hoang, đất nông lâm trường giao cho hộ sản xuất, đất nhận chuyển nhượng lại của hộ có nhiều đất, đất khai hoang tập trung giao lại cho hộ gia đình được ngân sách Nhà nước hỗ trợ bình quân 5 triệu đồng / 1 ha. Tùy vào điều kiện từng địa phương mà mức hỗ trợ có thể cao hơn.
 
8. Chính sách thuế.
 
- Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trên toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đối với hộ nghèo, hộ sản xuất nông nghiệp.
 
- Giảm 50% số thuế sử dụng đất nông nghiệp ghi thu hàng năm đối với diện tích đất sản xuất nông nghiệp của các đối tượng không thuộc diện được miễn thuế đối với hộ nghèo, hộ sản xuất nông nghiệp ở các xã đặc biệt khó khăn.
 
- Đối với các ngành nghề ở nông thôn thì mức thuế có sự ưu đãi hơn so với thành thị.
 
- Thực hiện chính sách miễn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
 
- Giảm thuế đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh đang sử dụng nhiều lao động và có khả năng mở rộng để thu hút nhiều lao động nông nghiệp và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp.
 
- Không thu thuế giá trị gia tăng đối với các dịch vụ tưới tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước sạch do tổ chức cá nhân, tự khai thác để phục vụ cho sinh hoạt ở nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
 
9. Chính sách nhà nước về nhân lực và tài chính
 
a. Chính sách nhân lực
 
- Nhà nước khuyến khích phát triển kinh tế xã hội nhằm ổn định việc làm cho những người đã có việc làm và tạo thêm việc làm mới bằng việc tập trung chỉ đạo một số chương trình kinh tế trọng điểm.
 
- Đẩy mạnh xuất khẩu lao động, tăng cường hoạt động hỗ trợ trực tiếp để tạo việc làm và tăng thị trường lao động.
 
- Nhà nước đầu tư kinh phí để đào tạo cán bộ cơ sở xã, bản, làng để nâng cao trình độ tổ chức chỉ đạo, quản lý sản xuất, quản lý hành chính và khả năng quản lý sử dụng các nguồn tín dụng nông thôn, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội địa phương.
 
- Chính sách đào tạo cán bộ, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo.
 
- Dành vốn ngân sách đầu tư nâng cấp cơ sở dạy nghề của Nhà nước, đồng thời có cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa, phát triển các hình thức dạy nghề, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng phát triển nhằm tạo thêm việc làm cho người nông dân.
 
b. Chính sách về tài chính
 
- Thực hiện chính sách hỗ trợ về tài chính đầu vào và đầu ra cho sản xuất nông nghiệp.
 
+ Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp dự trữ lưu thông để có đủ điều kiện bán hàng ra lúc mùa vụ nông dân cần.
 
+ Miễn thuế nhập khẩu đối với vật tư nông nghiệp bán cho nông dân.
 
+ Kết hợp đồng bộ giữa biện pháp thuế và biện pháp quỹ bình ổn giá để điều hòa cung cầu.
 
+ Nhà nước đầu tư về tài chính giúp nhân dân mua sắm thiết bị phương tiện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nông dân.
 
- Nhà nước đầu tư về tài chính giúp nhân dân mua sắm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.
 
- Chỉ hỗ trợ một lần đời sống cho các hộ đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn.
 
+ Hỗ trợ từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng mua lương thực, đồ dùng sinh hoạt.
 
+ Chi hỗ trợ tăng gia sản xuất dưới hình thức cho vay không tín lãi gồm: mua cây giống, con giống, vật tư nông nghiệp phát triển kinh tế. Mức hỗ trợ tối đa 1 triệu / hộ.
 
+ Hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng cán bộ tình nguyện làm nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chăn nuôi, gieo trồng cho dân, mức chi tối đa không quá 500.000 đồng / tháng theo hợp đồng và thời gian thực tế làm việc của cán bộ hướng dẫn.
 
10. Chính sách hỗ trợ về phòng, chống thiên tai
 
a. Hỗ trợ về phòng, chống thiên tai.
 
- Nhà nước thành lập quỹ phòng chống thiên tai, khuyến khích các tỉnh thành lập quỹ dự phòng, phòng chống thiên tai. Nhà nước quản lý các nguồn tài chính về phòng chống thiên tai.
 
- Lập kế hoạch quy hoạch và chỉ đạo thực hiện việc dự báo việc phòng chống thiên tai và khắc phục thiên tai.
 
- Quản lý, bảo vệ xây dựng và tu bổ các công trình phòng, chống thiên tai.
 
- Tuyên truyền phổ biến kiến thức, kinh nghiệm và pháp luật phòng chống thiên tai.
 
- Nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong việc dự báo phòng chống thiên tai, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai.
 
- Quy hoạch hợp lý vùng dân cư, công trình cơ sở hạ tầng ở các khu vực thường chịu tác động của thiên tai.
 
- Xác định cơ cấu sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp phù hợp và thích nghi với từng vùng để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
 
b. Những chính hỗ trợ của Nhà nước khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
 
- Hỗ trợ kinh phí di chuyển, mua sắm lều bạt, thuốc men, các đồ dùng thiết yếu và lương thực. Căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định hỗ trợ lương thực thực phẩm cho từng hộ.
 
- Hỗ trợ kinh phí cho người bị thương, với mức 200.000 – 400.000 / hộ. Mai táng phí cho người bị mất: với mức 1.000.000 đồng / người. Hỗ trợ tiền cho những người, sập nhà cửa với mức 1 – 3 triệu đồng / hộ.
 
- Hỗ trợ kinh phí thuốc men chi cho việc làm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh với mức từ 15.000 – 20.000 hộ.
 
- Hỗ trợ để khôi phục và phát triển sản xuất.
 
+ Thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
 
+ Đối với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế, các hộ kinh doanh nằm trong vùng thiên tai nếu thực sự khó khăn trong hoạt động sản xuất sẽ được xem xét miễn giảm thuế và các khoản thu nộp khác.
 
+ Đối với diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị xói lở, trôi dạt, hạn hán gây mất mùa … thì được xác định lại hạng đất để tính thuế sử dụng đất nông nghiệp cho phù hợp.
 
- Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với cây lâu năm phải trồng lại trong thời kỳ xây dựng cơ bản và 2 năm tiếp theo kể từ khi bắt đầu thu hoạch 1 năm đối với cây trồng hàng năm, nuôi trồng thủy sản và 2 năm đối với cây lâu năm.
 
- Các hộ gia đình vay vốn từ chương trình quốc gia giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo … mà bị thiệt hại do thiên tai thì được áp dụng cơ chế giãn nợ, khoanh nợ và xử lý rủi ro theo chế độ hiện hành.
 
- Miễn nộp học phí trong thời gian 1 năm học đối với học sinh, sinh viên có gia đình thuộc vùng phân lũ, chậm lũ.

VĂN BẢN MỚI VĂN BẢN MỚI

Lịch công tác Lịch công tác

Giá cả sp nông nghiệp Giá cả sp nông nghiệp

Đào tạo nghề Đào tạo nghề

Thông báo cung cấp giống, phân bón, thuốc BVTV... 25/11/2019 15:00
Thông báo cung cấp giống, phân bón, thuốc BVTV nhân rộng mô hình giảm...

Thống Kê Truy Cập Thống Kê Truy Cập

Đang truy cập: 8
Tất cả: 2215081