Thông tin khác Thông tin khác

Phát triển kinh tế trang trại bền vững - Tạo động lực thúc đẩy kinh tế trang trại

     Phát triển kinh tế trang trại bền vững - Tạo động lực thúc đẩy kinh tế trang trại

.

 

 

 

Thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường hỗ trợ các trang trại tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong ảnh: Đại diện Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Đông Nam bộ hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP.
 
Nông nghiệp được xác định là trụ cột kinh tế thứ 5 của tỉnh, trong đó, phát triển kinh tế trang trại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển theo hướng bền vững.

HƯỚNG ĐẾN QUY MÔ 450 TRANG TRẠI VÀO NĂM 2020

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, nguyên nhân khiến kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh phát triển chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương là do nhận thức về vai trò của kinh tế trang trại của các cấp, ngành còn hạn chế, chưa có quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm để phát triển trang trại; cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư phát triển trang trại còn thiếu, chưa triển khai đồng bộ; việc giao và cho thuê đất còn nhiều bất cập nên nhiều chủ trang trại chưa thực sự yên tâm đầu tư mở rộng phát triển sản xuất; chủ các trang trại thiếu vốn đầu tư; tính liên kết giữa các trang trại với nhau và với các tổ chức kinh tế khác còn ở mức thấp…

Từ thực tế nêu trên, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh, ngày 24-7-2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/TU về phát triển kinh tế trang trại giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025 (Nghị quyết 07). Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 450 trang trại, trong đó ưu tiên phát triển trang trại trồng trọt, nuôi trồng thủy sản kết hợp với du lịch, dịch vụ; mỗi huyện xây dựng được 3-5 mô hình trang trại điển hình hoạt động có hiệu quả, bảo đảm các tiêu chí về vệ sinh môi trường, có liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm để nhân rộng; 100% chủ trang trại được đào tạo, bồi dưỡng về quản lý, tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại; nâng cao năng lực sản xuất của các trang trại hiện hữu và phát triển các trang trại mới đáp ứng các tiêu chí theo quy định hiện hành. Đến năm 2025, đa số các loại hình trang trại đều ứng dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất, phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, tạo ra sản phẩm chất lượng cao…

Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới, gồm: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế trang trại; Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội trong phát triển kinh tế trang trại. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, quản lý sử dụng đất phát triển trang trại; Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, hiệu quả sử dụng đất trang trại; Thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để phát triển kinh tế trang trại và tiêu thụ sản phẩm; Tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để chủ động hội nhập, gia tăng tiêu thụ hàng hóa nông, lâm, thủy sản; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trang trại; Kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 07, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục rà soát, quy hoạch khoanh vùng, lựa chọn mô hình kinh tế trang trại phù hợp với vùng sinh thái, đặc điểm tự nhiên của tỉnh và từng địa phương, xác định các vùng phát triển trang trại; công bố quỹ đất có thể giao hoặc cho thuê để phát triển trang trại, chủ yếu là các vùng đất trống, đồi núi trọc, đất còn hoang hóa; đẩy mạnh giới thiệu, phổ biến áp dụng tiến bộ KH-KT, công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất, hiệu quả sử dụng đất trang trại; hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nghiên cứu, xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp…

Trang trại chăn nuôi của ông Đào Văn Trọng (ấp 4, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm
 
THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP

Theo ông Nguyễn Tiến Bảy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, các sở, ngành, địa phương cần ưu tiên hỗ trợ các trang trại trên địa bàn tỉnh chuyển giao tiến bộ KHKT, xây dựng các mô hình sản xuất, chế biến hiện đại gắn với tiêu thụ sản phẩm; tập huấn cho chủ trang trại và người lao động các quy định, tiêu chuẩn sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP… Đồng thời, khuyến khích các chủ trang trại liên kết hợp tác hình thành các HTX nông nghiệp, câu lạc bộ kinh tế trang trại, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...

Là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế trang trại, huyện Châu Đức đã hình thành các khu chăn nuôi heo và bò tập trung; đồng thời đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước ở các xã Quảng Thành, Suối Rao, Bình Giã để tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế trang trại. Dự kiến đến năm 2020, huyện sẽ phát triển thêm 30 trang trại. "Để đạt được mục tiêu này, cơ quan chức năng cần hỗ trợ các trang trại tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, nhất là vốn vay trung, dài hạn để phù hợp với chu kỳ sản xuất của cây trồng, vật nuôi", ông Lê Thanh Liêm, Trưởng phòng  NN PTNT huyện, cho biết.

Còn theo ông Văn Thanh Hùng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Xuyên Mộc, thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các sở, ngành đưa những giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương vào các trang trại. Bên cạnh đó, huyện sẽ tập trung hướng dẫn, tư vấn cho chủ trang trại các biện pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trang trại sản xuất ô nhiễm môi trường.

Theo Sở Công thương, để sản phẩm của trang trại có chất lượng và sức cạnh tranh cao, cơ quan chức năng cần hỗ trợ trang trại tiếp cận sớm thông tin thị trường tiêu thụ nông sản, cung cầu hàng hóa… để điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp; tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng về quản trị, kinh doanh và thương mại trong nông nghiệp; hướng dẫn các trang trại thực hiện liên kết hợp tác đầu tư giữa các trang trại, HTX để phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tổ chức giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của trang trại…

 

MAI GẤM TTDN&HTND (Theo NGÔ THANH - ĐINH HÙNG)
 


VĂN BẢN MỚI VĂN BẢN MỚI

Lịch công tác Lịch công tác

Giá cả sp nông nghiệp Giá cả sp nông nghiệp

Đào tạo nghề Đào tạo nghề

Thông báo cung cấp giống, phân bón, thuốc BVTV... 25/11/2019 15:00
Thông báo cung cấp giống, phân bón, thuốc BVTV nhân rộng mô hình giảm...

Thống Kê Truy Cập Thống Kê Truy Cập

Đang truy cập: 10
Tất cả: 2213972