Hoạt động của TT. Hỗ trợ nông dân Hoạt động của TT. Hỗ trợ nông dân

Thực trạng và đề xuất một số giải pháp phát triển nông nghiệp trong thời gian tới
Trong những năm qua, tỉnh đã đầu tư nhiều chương trình trọng điểm trong nông nghiệp, mở rộng kinh tế dịch vụ phục vụ nông nghiệp; cơ sở hạ tầng, kỹ thuật ở nông thôn được đầu tư và phát huy hiệu quả đã tạo ra một diện mạo mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn làm cho đời sống nông dân từng bước được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được thì nông nghiệp tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung đang đối mặt với những khó khăn và bất cập rất lớn;
 
Theo tôi có 4 vấn đề:
 
 
Thứ nhất: Sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay đang tiềm ẩn những rủi ro rất lớn; nguyên nhân là do những hậu quả của sự biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động rõ rệt lên toàn cầu nói chung và nước ta nói riêng, tình hình thiên tai, bão lụt, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi….
 
 
Thứ hai: Vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp đang là một khó khăn rất lớn cho sản xuất nông nghiệp; điều dễ nhận thấy nhất đó là hiện tượng được mùa- rớt giá, được giá-mất mùa thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu đó là: chưa gắn kết được chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp của Nhà nước với việc qui hoạch vùng chuyên canh sản xuất còn chậm và nhiều hạn chế.
 
 
Thứ ba: Vấn đề liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa nông sản của nông dân còn nhiều bất cập trong thực tế; sự liên kết 4 nhà vẫn chưa có tiếng nói chung; điều dễ nhận thấy nhất là: có rất ít các hợp đồng được ký kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong việc sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp và hợp đồng thường bị phá vỡ khi thị trường có những biến động bất lợi cho một trong hai phía (Đơn cử vụ sản xuất bí đao ở xã Đá Bạc). Đa số các doanh nghiệp còn ngần ngại đầu tư vào nông nghiệp vì rủi ro cao.
 
Thứ tư: Vấn đề "Thực hành Nông nghiệp tốt" theo tiêu chuẩn GlobalGAP hay VietGAP để phát triển nông nghiệp một cách bền vững, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường và giá bán tốt hơn cho sản phẩm nông nghiệp đối với những thị trường khó tính….còn rất hạn chế. Chúng ta đã có xây dựng thương hiệu cho một vài sản phẩm (Hồ tiêu, bưởi, nhãn….) nhưng để đảm bảo cho thương hiệu giữ được uy tín, chất lượng khi tham gia thị trường thì còn nhiều vấn đề phải đặt ra đối với công tác quản lý, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và ý thức của người nông dân khi tham gia xây dựng thương hiệu.
 
Để giải quyết những khó khăn và bất cập trên, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 899/QĐ-TTg, ngày 10/6/2013  về việc: Phê duyệt Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững". Bản thân xin đề xuất một số giải pháp sau:
 
Thứ nhất:Phải tập trung tuyên truyền vận động để bản thân người nông dân nhận thức được rằng: con đường tất yếu của các hộ nông dân là liên kết, hợp tác với nhau trong qui trình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm để sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, phải học tập để nâng cao trình độ khoa học công nghệ, thông tin và trình độ sản xuất.
 
 
Thứ hai:  Nhà nước cần có những chính sách, giải pháp để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp một cách căn cơ hơn, cụ thể:
 
 
+ Chính sách đầu tư, hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp phải triệt để gắn với qui hoạch phát triển nông nghiệp. Nếu người nông dân sản xuất theo kiểu phong trào, tự phát, không tuân thủ theo qui hoạch của Nhà nước thì sẽ không được hưởng các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước.
 
 
+ Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện để phát triển nhanh, hiệu quả và vững chắc kinh tế hợp tác, hợp tác xã.
 
 
Thứ ba: Cần có chính sách thích hợp để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đơn cử hiện nay trên địa bàn huyện có các công ty như: công ty TNHH gia vị, công ty TNHH Harris Freeman, công ty Olam đang đầu tư hướng dẫn nông dân trồng tiêu thực hành nông nghiệp tốt để cho ra sản phẩm có chất lượng và bao tiêu sản phảm cho nông dân; đây là hướng đi rất thích hợp cần phải tập trung tuyên truyền, vận động người nông dân trồng tiêu tích cực tham gia; và có thể xem đây là hình mẫu trong thực hiện "liên kết 4 nhà" để nhân rộng ra đối với các cây trồng vật nuôi mà địa phương có lợi thế.
 
Thứ tư: Đối với nhà khoa học, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất.. cho doanh nghiệp và nông dân để nâng cao chất lượng và giá trị của nông sản; đặc biệt là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với sự biến đổi khí hậu.
NGỌC LINH
HND H.Châu Đức

VĂN BẢN MỚI VĂN BẢN MỚI

Lịch công tác Lịch công tác

Giá cả sp nông nghiệp Giá cả sp nông nghiệp

TIN ĐỌC NHIỀU TIN ĐỌC NHIỀU

Thống Kê Truy Cập Thống Kê Truy Cập

Đang truy cập: 23
Tất cả: 3349240