Thủy sản
03 điều kiện để phát triển bền vững nghề nuôi cá tra
Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tổng diện tích nuôi cá tra, ba sa trên 5.000 ha. So với năm 2000 diện tích này đã tăng trên 10 lần và dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm sắp tới. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là diện tích nuôi cá tra, ba sa tăng thì nguồn nước và môi trường bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Làm gì để khắc phục tình trạng này? Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ xung quanh vấn đề này, Tiến sĩ Dương Nhựt Long, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Nuôi thủy sản, Khoa Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ, cho biết:
ĐBSCL là nơi có điều kiện thuận lợi để nuôi cá tra và cá ba sa, bởi những điều kiện tự nhiên về môi trường nước, sinh thái... Mỗi năm diện tích nuôi cá tra, ba sa đều tăng. Năm 2007 giá cá tra, ba sa khá cao, có lúc lên đến 17.000 đồng/kg, nên người nuôi thu lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ cá tra cũng không hạn chế, ngay cả cá tra thịt vàng cũng xuất khẩu được. Từ đó thu hút người nuôi ngày càng nhiều.
Năm 2004, tổng sản lượng cá tra, ba sa của toàn vùng là 264.436 tấn, năm 2006 là 825.000 tấn và dự báo đến cuối năm 2007 sản lượng sẽ lên đến con số khoảng 1,5 triệu tấn, bằng sản lượng quy hoạch cho đến năm 2010 theo dự đoán của ngành thủy sản. Tuy nhiên, tác động từ việc nuôi cá tra và cá ba sa đến môi trường nước và hệ sinh thái đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, nếu chúng ta không có biện pháp bảo vệ môi trường nước, thì sự phát triển bền vững của nghề nuôi cá sẽ bị đe dọa.
* Tiến sĩ có thể phân tích cụ thể hơn tác hại của việc nuôi cá tra làm ảnh hưởng đến môi trường?
- Trước tiên, chúng tôi muốn nói nghề nuôi cá tra, ba sa xuất khẩu lúc nào cũng phải thỏa mãn 3 điều kiện là kỹ thuật nuôi, hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường nước. Hiện nay, chúng ta có thể chấp nhập được kỹ thuật nuôi của người dân, hiệu quả kinh tế cũng đạt được yêu cầu. Tuy nhiên, môi trường nước thì không đảm bảo, thậm chí gây ô nhiễm đến mức nghiêm trọng. Nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường là do thức ăn dư thừa trong quá trình nuôi, các hóa chất vệ sinh cải tạo ao nuôi, có sử dụng vật tư chuyên dụng như vôi bột, chế phẩm sinh hóa học, thuốc kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng... Các nguồn chất thải này chưa được xử lý triệt để và thải trực tiếp ra môi trường.
Theo số liệu điều tra của chúng tôi, trong 1 ao nuôi có diện tích 1ha cho ra sản phẩm 300 tấn. Nhưng, trong đó sử dụng thức ăn là 480 tấn. Trong lượng thức ăn này có 75% được chuyển hóa thành sản phẩm, phần còn lại được thải loại dưới dạng thức ăn dư thừa thối rữa lắng đọng dưới đáy ao và thải ra môi trường nước. Đây là nguồn chất thải cực kỳ nguy hiểm, là một nguyên nhân quan trọng gây ra sự biến đổi chất lượng nước trên sông rạch. Nếu chúng ta không ngăn chặn tình trạng này kịp thời, đến lúc nào đó môi trường nước không còn cho phép phát triển thủy sản, đặc biệt là những vùng nuôi cá tra ở các con sông, rạch nhỏ.
* Theo tiến sĩ, cần thực hiện những giải pháp nào để hạn chế tình trạng này?
Diện tích nuôi cá tra ở huyện Thốt Nốt đang phát triển nhanh, nhưng kéo theo đó là mối đe dọa ô nhiễm nguồn nước. Ảnh: H.V
- Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi đưa ra giải pháp hạn chế khẩu phần ăn cho cá nhằm tránh ô nhiễm môi trường nước như sau: cá tra, ba sa có trọng lượng từ 12g đến 200g phân bổ thức ăn trong ngày từ 8 đến 10%/trọng lượng đàn cá, từ 200-300g phân bổ từ 6-7%, từ 300-700g phân bổ 4-5%, từ 800-1,1kg phân bổ từ 1,5-3%/trọng lượng đàn cá. Với công thức này, chúng ta vừa giảm lượng thức ăn cho cá, giảm chi phí, hạn chế ô nhiễm môi trường nước mà cá vẫn phát triển bình thường, đảm bảo trọng lượng khi thu hoạch.
Ngoài ra, Khoa Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ đang nghiên cứu một số loài thủy sản nuôi chung với cá tra, cá ba sa nhằm ăn những thức ăn dư thừa, chất thải từ con cá tra, ba sa. Hiện nay, chúng tôi đã nghiên cứu và nuôi thử nghiệm thành công 2 loại cá leo và cá kết trong lồng bè, thay thế cá tra, cá ba sa. Vì, cá tra, cá ba sa nuôi lồng bè chi phí rất cao. Cá leo, cá kết nuôi thích ứng trong lồng bè, chi phí nuôi thấp, cho sản lượng cao và được thị trường ưa chuộng. Hiện nay, trên thị trường giá bán 2 loại cá này từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng/kg. Khoa Thủy sản cũng đang thử nghiệm xử lý nước thải cá tra, ba sa trên địa bàn TP Cần Thơ. Trong đó đặc biệt sử dụng hệ thống lọc nước, đưa nước thải cá tra, ba sa lên đồng ruộng thích hợp với nhu cầu phát triển của cây lúa, nhằm hạn chế sử dụng phân hóa học trong sản xuất lúa.
* Đối với các ngành chức năng, theo Tiến sĩ, cần thực hiện biện pháp gì để hạn chế ô nhiễm nguồn nước từ việc nuôi cá tra, ba sa?
- Để bảo đảm phát huy lợi thế nuôi cá tra và ba sa ở ĐBSCL phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu đảm bảo sự bền vững và an toàn của môi trường, các địa phương cần tập trung quy hoạch hợp lý diện tích nuôi ở khu vực ĐBSCL. Trong đó, chúng ta đặc biệt chú ý xây dựng hệ thống xử lý được nước cấp đưa vào nuôi và xử lý triệt để nguồn nước thải, bùn thải ao nuôi, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, đảm bảo chất lượng con cá thương phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trong thời hội nhập.
Để hướng dẫn người nuôi thực hiện đúng theo quy trình, chính quyền địa phương các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL cần đưa ra những qui định, những văn bản pháp qui về điều kiện nuôi cá tra, ba sa đảm bảo môi trường nước. Ví dụ như cấp phép hành nghề nuôi cá tra, ba sa cho cá nhân; những cá nhân nuôi không theo quy trình kỹ thuật bảo vệ môi trường sẽ rút giấy phép hay xử lý theo qui định của luật môi trường... Các giải pháp này nhằm mục tiêu bảo tồn và phát triển nghề nuôi thủy sản bền vững cho người dân.
* Xin cảm ơn Tiến sĩ!
HÀ VĂN (Thực hiện)
VĂN BẢN MỚI
Giá cả sp nông nghiệp
Đào tạo nghề
Thông báo cung cấp giống, phân bón, thuốc BVTV... 25/11/2019 16:00
Thông báo cung cấp giống, phân bón, thuốc BVTV nhân rộng mô hình giảm...
Ðào tạo nghề Trồng rau an toàn xã Long Mỹ 18/06/2019
TIN ĐỌC NHIỀU
Liên kết Website
Thống Kê Truy Cập
73
3341870